Triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 từ đầu năm 2021
Thứ sáu - 05/02/2021 16:44
Kiểm soát phòng dịch Covid 19
Thực hiện công văn số 171-CV/TU ngày 28/1/2021 của Tỉnh ủy Yên Bái về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới; công văn số 258/UBND-VX ngày 28/1/2021 của UBND tỉnh Yên Bái về việc triển khai thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trưởng Cao đẳng Y tế đã nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tới các đơn vị, các lớp sinh viên; tuân thủ biện pháp dự phòng dịch bệnh 5 K.
MỘT SỐ THÔNG TIN VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH COVID - 2019
1. Giới thiệu về vi rút SARS-CoV-2
Dịch bệnh Covid-19 là do vi rút SARS-CoV-2, là một chủng vi rút Corona mới được xác nhận và có khả năng lây nhiễm từ người sang người với tốc độ rất cao. Vi rút Corona có thể gây viêm phổi trực tiếp do vi rút hoặc do vi khuẩn thứ phát. Ba chủng vi rút Corona gây bệnh nặng, gây ra các vụ dịch lớn về qui mô và mức độ tổn thương bao gồm: vi rút Corona gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng được phát hiện vào năm 2002 được gọi là SARS-CoV-1; tiếp đến là vi rút Corona gây hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông được phát hiện vào năm 2012 được gọi là MERS-CoV; và gần đây nhất là vi rút Corona gây bệnh viêm phổi, phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán vào giữa tháng 12/2019 được gọi là SARS-CoV-2. Đây là vi rút có vỏ bao, hạt vi rút hình tròn hoặc bầu dục, thường là đa diện với đường kính 60-140nm. Đặc điểm di truyền của vi rút SARS-Cov-2 khác với SARS và MER-CoV, chỉ 85% trình tự gen của vi rút giống với chủng gây SARS. 2. Diễn biến dịch bệnh trên thế giới và tại Việt Nam Tính đến ngày 04/02/2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới đã ghi nhận hơn 105 triệu ca nhiễm, số người đã tử vong là hơn 2.279.000 ca, hơn 76.000.000 người đã được điều trị khỏi. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế ngày 04/02/2021 đã ghi nhận 1948 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2, đang điều trị là 452 ca, tử vong 35 ca, điều trị khỏi là 1461 ca. Trong những ngày vừa qua nhất là từ ngày 27/01/2021 đến ngày 04/02/2021, tại Việt Nam đã ghi nhận 366 ca dương tính trong cộng đồng do nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tại Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Gia Lai, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đây là đợt lây nhiễm cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay, có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng. 3. Cơ chế lây lan của dịch bệnh? SARS-CoV-2 có thể lây truyền từ người mang vi rút sang người lành qua các con đường sau: - Bệnh có thể lây trực tiếp từ người sang người qua tiếp xúc gần hoặc hít phải những giọt bắn từ mũi hoặc miệng của người bị nhiễm Covid-19 phát tán khi ho, hắt hơi hoặc thở ra. Nếu hít hoặc nuốt phải những giọt bắn này từ người bị nhiễm SARS-CoV-2 thì sẽ có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Đây là lý do tại sao phải cách xa người bệnh từ 2 mét trở lên. Đến thời điểm này, hình thức này được coi là đường lây lan chính của bệnh. - Bệnh có thể lây do người lành tiếp xúc với các bề mặt có SARS-CoV-2 trên những giọt bắn văng xa tới 2 mét do người bệnh phát tán khi ho, hắt hơi, thở ra, rơi xuống các vật thể và các bề mặt xung quanh người. Nếu hít phải những giọt bắn này từ người bị nhiễm SARS-CoV-2 thì sẽ có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Đây là lý do tại sao phải cách xa người bệnh hơn 2 mét hoặc phải đeo khẩu trang để hạn chế giọt bắn văng ra xa. Bàn tay che chắn khi ho hoặc tiếp xúc với những vật thể hoặc bề mặt nhiễm SARS-CoV-2, sau đó sờ vào mắt, mũi hoặc miệng của họ cũng sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm. Do đó rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc sát khuẩn tay là một trong những biện pháp dự phòng có hiệu quả. 4. Những dấu hiệu và biến chứng của bệnh? Thời gian ủ bệnh của người nhiễm SARS-CoV-2 trung bình từ 3-7 ngày, tối đa là 14 ngày. Tuy nhiên, đã có nghiên cứu phát hiện ra khoảng thời gian ủ bệnh của các bệnh nhân rất khác nhau có thể từ 1 đến 24 ngày, tuy nhiên thời gian ủ bệnh trên 14 ngày là hiếm gặp. Bệnh Covid-19 khi xâm nhiễm vào cơ thể người thường dẫn đến diễn biến phức tạp từ nhẹ đến nặng bao gồm các triệu chứng: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, Covid-19 có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch, rối loạn chuyển hóa, người già, trẻ em… Theo các số liệu nghiên cứu, nhóm người có nguy cơ lây nhiễm và tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn là nhóm người cao tuổi và bị các bệnh mạn tính khác phối hợp như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản mãn, xơ gan, viêm gan, bệnh thận mãn tính, ung thư. Các nghiên cứu cho thấy, 80% các trường hợp tử vong có từ 3 bệnh lý nền trở lên. Một số nghề nghiệp và công việc có nguy cơ tăng tiếp xúc với nguồn bệnh như: nhân viên y tế, người lao động ở môi trường tiếp xúc nhiều như nhân viên hàng không, đường sắt, người điều khiển phương tiện giao thông công cộng, người tham gia tổ chức các hội nghị, hội thảo, nơi tập trung đông người… 5. Các biện pháp phòng bệnh Covid-19 Để chủ động phòng chống Covid-19 chúng ta cần đề cao cảnh giác, không hoang mang với dịch bệnh, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ y tế và các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Cán bộ, đảng viên, viên chức, sinh viên trong toàn trường phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Các biện pháp dự phòng dịch bệnh COVID-19 chủ yếu như: * Đeo khẩu trang: Đeo khẩu trang vải hoặc khẩu trang y tế thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, khu cách ly, chợ, siêu thị… * Khử khuẩn: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh. Vệ sinh các bề mặt/vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh chung, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng. * Khoảng cách: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác, ít nhất là 2m, đặc biệt là những người đang ho, hắt hơi và bị sốt. * Không tụ tập: Không tụ tập đông người, không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; đặc biệt là việc tổ chức liên hoan, tất niên, gặp mặt… trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. * Khai báo y tế: Nếu có đi lại từ vùng dịch về phải thực hiện khai báo y tế cho cán bộ, giảng viên nhà trường, cố vấn học tập, hoặc cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ và cảnh báo nguy cơ và các biện pháp dự phòng lây nhiễm Covid-19. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc thông báo ngay cho cán bộ, cố vấn học tập, giảng viên nhà trường để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Hãy thực hiện phòng bệnh Covid-19 theo 5K: “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung đông người – Khai báo y tế" để giữ an toàn cho Bạn và Chúng ta trước đại dịch Covid-19!
MỘT SỐ HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
Tập trung giãn cách;
Kiểm soát phòng dịch Covid 19;
Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Nghĩa
Thực hiện công văn số 171-CV/TU ngày 28/1/2021 của Tỉnh ủy Yên Bái về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới; công văn số 258/UBND-VX ngày 28/1/2021 của UBND tỉnh Yên Bái về việc triển khai thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trưởng Cao đẳng Y tế đã nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tới các đơn vị, các lớp sinh viên; tuân thủ biện pháp dự phòng dịch bệnh 5 K.