Tham luận: Công tác tuyển sinh và đa dạng hóa các loại hình đào tạo tại Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái của Ths Trịnh Thế Dũng – Bí thư Chi bộ 1 - Trưởng phòng Đào tạo - NCKH - HTQT.
Thứ ba - 19/05/2020 14:07
Ths Trịnh Thế Dũng thảo luận tại Đại hội.
Đảng bộ Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái đã tổ chức Đại hội lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào ngày 4 tháng 5 năm 2020, tại đại hội Ths Trịnh Thế Dũng - Bí thư Chi bộ 1 - Trưởng phòng Đào tạo - NCKH - HTQT đã tham gia thảo luận với chủ đề: “Công tác tuyển sinh và đa dạng hóa các loại hình đào tạo tại Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái”.
Theo thông tin chính thức của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến hết năm 2018, cả nước có 1.948 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: 397 trường cao đẳng; 519 trường trung cấp 1.032 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay đào tạo các bậc học sơ cấp, trung cấp và cao đẳng với hơn 600 ngành cao đẳng và 700 ngành bậc trung cấp. Đối tượng tuyển sinh của giáo dục nghề nghiệp là thí sinh đã tốt nghiệp từ THCS trở lên. Các trường xét tuyển theo nhiều phương thức đa dạng: xét điểm học bạ, điểm thi THPT quốc gia, thi tuyển hoặc kết hợp cả thi và xét tuyển. Trong những năm 2015 trở về trước, công tác tuyển sinh học nghề gặp rất nhiều khó khăn, toàn bộ khối giáo dục nghề nghiệp chỉ tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu. Từ năm 2017, công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp có nhiều khởi sắc. Năm 2019, Công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt 103,5% so với kế hoạch năm với 2.338 nghìn người, trong đó 568 nghìn người vào trung cấp, cao đẳng. Tuy nhiên công tác đào tạo người học có trình độ trung cấp và cao đẳng ít, với 2,2 triệu người học nghề năm 2018, số người học chủ yếu tập trung vào học trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác (chiếm 75%); còn trình độ trung cấp và cao đẳng chỉ chiếm khoảng 25%. Điều này phản ánh việc đào tạo một cách bài bản vẫn gặp khó khăn, khi đào tạo nghề vẫn chủ yếu là “ăn xổi”. Chưa kể, chất lượng đào tạo nghề hiện nay chưa thực sự cao, sự năng động của các trường nghề còn hạn chế. Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái được thành lập trên cơ sở Trường Trung cấp Y tế Yên Bái theo Quyết định số 3079/QĐ-BGDĐT ngày 28/7/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở Trường Trung cấp Y tế Yên Bái. Nhà trường là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh Yên Bái, có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế có trình độ cao đẳng, trung cấp và các trình độ thấp hơn đáp ứng nguồn nhân lực chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, các tỉnh trong khu vực và nước CHDCND Lào. Trong 54 năm xây dựng và trưởng thành đã đào tạo được trên 15.000 cán bộ Y tế, từ nhân viên Y tế thôn bản, sơ cấp, trung cấp và cao đẳng tỉnh Yên Bái, các tỉnh lân cận và nước CHDCND Lào. Trong giai đoạn 2015 - 2020, Bên cạnh việc hoàn thiện các hồ sơ, văn bản thủ tục chuyển đổi sang là cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Nhà trường tập trung thực hiện công tác bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và các bộ quản lý đạt chuẩn theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giảng dạy và tập trung mọi nguồn lực thực hiện công tác tuyển sinh và đào tạo. Tuy nhiên, đây là giai đoạn rất khó khăn đối với các ngành đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nói chung (chỉ đạt khoảng 25% trong tổng số người học giáo dục nghề nghiệp). Trong giai đoạn này, nhà trường chỉ thực hiện tuyển sinh trung bình đạt 80,8% so với kế hoạch được giao, một số ngành đào tạo không tuyển được người học. Trong giai đoạn 2020 - 2025, trước bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều thay đổi. Công tác đào tạo nhân lực lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cũng có nhiều cơ hội và thách thức. Với Mục tiêu tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Trước cơ hội và thách thức đó, đặc biệt là sự là sự đòi hỏi của cách mạng 4.0 việc tìm ra các giải pháp đổi mới công tác tuyển sinh để mở rộng qui mô đào tạo phải được đặc biệt chú trọng và xem đây là một yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của trường. Để thực hiện được hiệu quả công tác này, theo tôi phải thực hiện tốt một số các giải pháp sau: Một là, phải bám sát công tác phát triển dạy nghề, các quy định và định hướng phát triển của ngành giáo dục nghề nghiệp và ngành Y tế đặc biệt là của tỉnh để xây dựng, điều chỉnh sứ mệnh, chiến lược phát triển nhà trường đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của thị trường lao động. Thực hiện nghiêm túc các chương trình, kế hoạch tuyển sinh và giải quyết việc làm của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái. Hai là, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Y tế tỉnh Yên Bái, các ban ngành, các đơn vị sử dụng lao động để tìm cơ chế, giải pháp giải quyết tốt công tác việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Ba là, phải tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng điều kiện đảm bảo chất lượng để khẳng định được uy tín nhà trường. Đó là: - Phải đổi mới quản lý công tác dạy và học ở nhà trường thật tốt, tạo ra nhiều ấn tượng đẹp đối với sinh viên, khi đó những ấn tượng sẽ được truyền phát ra xã hội. - Nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tay nghề cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đổi mới phương pháp dạy học nhằm tạo hứng thú học tập cho sinh viên. - Xây dựng chương trình đào tạo phù hợp; đồng thời đáp ứng được với nhu cầu của thị trường lao động khi sinh viên tốt nghiệp. - Tăng cường cơ sở vật chất đặc biệt là máy móc, thiết bị dạy thực hành đóng vai trò hết sức quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo. Từng bước cần phải đầu tư những máy móc thiết bị phù hợp máy móc thiết bị của các cơ sở đang hoạt động. Có như vậy khi sinh viên tốt nghiệp ra trường họ mới tìm được việc làm phù hợp cho mình trong thị trường lao động và điều này sẽ làm cho thương hiệu của trường ngày một củng cố; tạo uy tín trong xã hội và sẽ có tác động mạnh mẽ đến công tác tuyển sinh của nhà trường. Bốn là, mở thêm các ngành đào tạo mới để thay thế những ngành đào tạo của nhà trường mà nhu cầu việc làm đã bão hòa; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, tăng cường phối hợp với các đơn vị để đào tạo các lớp ngắn hạn, liên thông. Liên kết với các doanh nghiệp, các trường Cao đẳng, đại học để để mở rộng quy mô, đáp ứng được yêu cầu xã hội cần. Năm là, nâng cao nhận thức trong toàn Trường về công tác truyền thông, tư vấn, quảng bá tuyển sinh là trách nhiệm của từng cán bộ, giảng viên, sinh viên, từng bộ phận, đơn vị của Nhà trường, truyền thông và quảng bá bằng chất lượng đào tạo và phục vụ người học. Phải xây dựng đội ngũ thực hiện công tác tuyển sinh. Đội ngũ tuyển sinh đóng vai trò hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và chất lượng công tác tuyển sinh, vì thế cần xây dựng và phát huy được vai trò của đội ngũ tuyển sinh đa dạng có thể gồm những đối tượng sau: - Bộ phận chuyên trách làm công tác tuyển sinh: Bộ phận chuyên trách tuyển sinh để xây dựng và triển khai kế hoạch quảng bá, tư vấn và tuyển sinh tất cả các hệ đào tạo trong nhà trường. - Bộ phận cán bộ, viên chức nhà trường: mỗi cán bộ, viên chức trước hết cần phải nhận thức rằng công việc tham gia tuyển sinh của họ có ảnh hưởng trực tiếp đến chính mình vì không có học sinh, sinh viên đồng nghĩa với việc trường sẽ không hoạt động được và hệ quả là cán bộ, giảng viên sẽ phải giảm. Có chế độ, biện pháp động viên khích lệ, đồng thời giao khoán chỉ tiêu cho mỗi cán bộ, giáo viên theo từng địa bàn tuyển sinh, theo nhiệm vụ của từng cán bộ tuyển sinh mà có chế độ giao khoán chỉ tiêu cụ thể. Khen thưởng kịp thời trong các ngày lễ, các dịp tổng kết, ... nhằm tạo lên một không khí thi đua, phấn đấu trong mỗi cán bộ, viên chức trong hoạt động tuyển sinh. - Phát huy vai trò của các tổ chức công đoàn, đoàn TNCS Hồ Chí Minh, hội chữ thập đỏ thông qua các hoạt động phong trào, hoạt động tình nguyện, hoạt động hiến máu, tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo… - Huy động lực lượng sinh viên đặc biệt là sinh viên là cán bộ đi học tham gia công tác tuyển sinh qua việc động viên sinh viên quảng bá các ngành nghề đào tạo và chất lượng đào tạo của nhà trường đến người thân, bạn bè. - Bộ phận cán bộ Trạm Y tế các xã, cán bộ tư vấn hướng nghiệp các trường PTTH, trung tâm Giáo dục thường xuyên vì họ vừa là những người hàng ngày trực tiếp với các đối tượng học sinh và các bậc phụ huynh; mặt khác tiếng nói của họ sẽ có tác động khá mạnh mẽ đến sự quyết định lựa chọn con đường học tập của các học sinh hay các bậc phụ huynh sau khi con em họ tốt nghiệp là PTTH. Sáu là, đa dạng hóa các hình thức quảng bá, tư vấn tuyển sinh: việc quảng bá, tư vấn phải được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và thường xuyên, qua việc tuyên truyền trên các kênh phát thanh, truyền hình; bằng các pa-nô, áp-phích và đặc biệt là đưa các thông tin trực tiếp đến các đối tượng qua việc tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua Zalo, Facebook… đẩy mạnh tuyển sinh theo hình thức trực tuyến. Bảy là, tăng cường liên kết, hợp tác toàn diện với các cơ sở Y tế, các công ty, doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Phối hợp để họ tham gia vào tất cả các khâu từ tuyển sinh, tham gia xây dựng chương trình, giáo trình, tham gia đánh giá kết quả học tập của sinh viên và điều quan trọng là họ sẵn sàng tiếp nhận những học sinh của nhà trường sau khi tốt nghiệp vào làm việc. Làm được điều này thì uy tín và thương hiệu của trường ngày càng được nâng lên và từ đó góp phần tích cực trong công tác tư vấn tuyển sinh trong thời gian tới. Công tác tuyển sinh là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là một trong các yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các nhà trường. Trong bối cảnh hiện nay, công tác tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp của các trường Cao đẳng, trung cấp nói chung đang gặp nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi mỗi nhà trường phải đổi mới và thích ứng trong đó có trường Cao đẳng Y tế Yên Bái. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, sự lãnh đạo của trực tiếp của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, đặc biệt sự đồng lòng của đội ngũ cán bộ, đảng viên trường Cao đẳng Y tế Yên Bái sẽ vượt qua khó khăn trong công tác tuyển sinh, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao./.
Hình ảnh minh họa
Ths Trịnh Thế Dũngtrình bày tham luận tại Đại hội.
Ths Trịnh Thế Dũng bỏ phiếu bầu BCH Đảng bộ khóa X.
Tác giả bài viết: Trịnh Thế Dũng
Đảng bộ Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái đã tổ chức Đại hội lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào ngày 4 tháng 5 năm 2020, tại đại hội Ths Trịnh Thế Dũng - Bí thư Chi bộ 1 - Trưởng phòng Đào tạo - NCKH - HTQT đã tham gia thảo luận với chủ đề: “Công tác tuyển sinh và đa dạng hóa các loại hình đào tạo tại Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái”.