17:54 +07 Thứ ba, 30/05/2023

Cao đẳng Y tế Yên Bái

Tin tức - Sự kiện

Đào tạo

Tuyển sinh

Nghiên cứu khoa học - HTQT

Công HS-SV

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 38

Máy chủ tìm kiếm : 13

Khách viếng thăm : 25


Hôm nayHôm nay : 13356

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 474238

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 20864890

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Theo bạn Giao diện mobile của website ymc.edu.vn trông thế nào?

Đẹp và dễ sử dụng

Bình thường

Xấu

Ý kiến khác

Trang chủ » Tin Tức » HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 50 NĂM TRUYỀN THỐNG

ẤM ÁP TÌNH THẦY - TRÒ

Thứ tư - 31/08/2016 10:46
ẤM ÁP TÌNH THẦY - TRÒ

ẤM ÁP TÌNH THẦY - TRÒ

BSCKII Nguyễn Long Nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học Y tế Hoàng Liên Sơn (1976-1983)

Có người nói "Nghề thầy giáo giống như nghề lái đò ngang, qua sông là khách quên luôn anh lái đò?".
Đúng sai thế nào còn phải bàn cãi vì có người lại nói: "Vinh quang nghề thầy", hoặc như cố giáo sư Hoàng Đình Cầu, nguyên Hiệu trưởng trường Y sĩ LK III-IV, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, khi sinh thời ông thường nói với chúng tôi: "Có ba người thầy được xã hội coi trọng, đó là thầy giáo, thầy thuốc và thầy cúng". Còn với tôi, điều cảm nhận được qua thời gian làm việc ở ba trường Y tế (khu tự trị Thái-Mèo: 1959-1961, Nghĩa Lộ: 1962-1975, Hoàng Liên Sơn: 1976-1985) và sau đó là 30 năm rời xa mái trường cho đến nay, đó là sự ấm áp của tình thầy-trò, mà dưới đây chỉ xin kể ra một số ít trong vô số những kỷ niệm còn đầy ắp trong ký ức tôi.
Vào những năm 62-75, khi đã chuyển về Nghĩa Lộ, một lần tôi gặp lại một cô học sinh cũ của trường Y tế Khu nhưng khi đó đã chuyển sang công tác tại Hội Phụ nữ tỉnh với cương vị Tỉnh ủy viên và trong Ban lãnh đạo Hội Phụ nữ. Thấy tôi, cô chào: "Em chào thầy giáo!", Đáp lại tôi bảo cô: "Trước đây cô là học trò của chúng tôi, nhưng nay đã là cán bộ lãnh đạo rồi nên đừng gọi là thầy giáo nữa". Nghe vậy, cô cười và nói: "Không! Em vẫn gọi là thầy giáo chứ, vì các thầy đã dạy cho em con chữ, lại thạo cả cái tiếng nữa, nhờ vậy mà em mới làm việc được như ngày nay!". Thì ra chính cô đã nhận ra nhờ đâu mà cô đã có những thay đổi lớn lao như ngày nay, vì khi vào trường cô còn vấn tóc, mặc váy áo dân tộc Mông, mới bập bẹ vài ba con chữ, tiếng Kinh chưa thạo, còn nay cô kẹp tóc, áo sơ mi trắng, quần lụa đen, như bao cán bộ phụ nữ khác, nói năng lưu loát và quan trọng hơn, cô đang là một cán bộ lãnh đạo một ngành của tỉnh!
Rồi vào năm 2007, trong một chuyến đi xuyên Việt, tôi ghé qua Cần Thơ thăm một bạn đồng nghiệp cũ ở trường Y tế Khu sau đó anh đi B. Qua chuyện trò, anh khoe với tôi:"Anh biết không? Em là thầy giáo của Thủ tướng đấy nhé!". Và anh kể lại khi vào đến chiến trường, anh được đưa vào R (chiến khu) làm nhiệm vụ đào tạo y tá mà trong số những học viên năm đó có ông Thủ tướng ngày nay . Chuyện chưa dừng ở đó, gần đây thì tôi được tin: trong một chuyến về về làm việc với Cần Thơ , ông Thủ tướng có ghé qua thăm anh, khi thấy người thầy giáo cũ của mình đang ở trong một căn hộ chật hẹp, ông đã nói với các đồng chí lãnh đạo thành phố:" Ông ấy là thầy giáo cũ của tôi đấy, các ông xem giải quyết cho ông ấy có chỗ ở tốt hơn". Và rồi sau đó anh được mời lên nhận một nơi ở mới. Thế là anh bạn tôi trồng cây để hơn 40 năm sau được hái quả ngọt !.
Tương tự câu chuyện trên, trong một cuộc họp mặt các cựu giáo chức của trường Nghĩa Lộ-Hoàng Liên Sơn tại Hà Nội, một cô giáo ngành Dược khoe với tôi là cô vừa đi một chuyến du lịch qua mấy nước khối ASEAN do một nhóm học sinh lớp Dược cũ tổ chức và mời cô đi cùng! Vậy là mấy chục năm sau ngày ra trường, nay đã khá giả nhờ mở hiệu thuốc và các bạn đã trả ơn cô giáo ngày xưa của mình!
Còn với tôi, cũng có niềm vui tương tự. Đó là vào đầu năm 2007, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ Phù Yên (Sơn La) gọi về. Từ đầu dây bên kia, em giới thiệu tên và là học sinh cũ của trường Nghĩa Lộ từ những năm 65-70, rồi em thông báo:"Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam các em tổ chức cuộc họp mặt cán bộ Y tế đã và đang làm việc ở Phù Yên mà trong đó hầu hết là học sinh cũ của trường Nghĩa Lộ. Các em mời tôi lên dự. Thật bất ngờ và đầy thú vị, vì đã hơn 30 năm rồi mà các em vẫn còn nhớ tới tôi. Thế là bỏ qua mọi lo ngại về tuổi tác, đường sá xa xôi, tôi quyết định sẽ đến với các em. Và đúng như mong đợi, ra đến bến xe Mỹ Đình, các em đã cử người về đón để hai thầy, trò cùng vượt qua quãng đường hơn 300 km và khi xe vừa dừng bánh thì cũng là lúc hơn 50 em ùa ra đón, chào tôi. Tiếp đến, chúng tôi cùng vào nhà hàng ăn bữa cơm chiều, nửa chừng thì một em nữ tiến lại chúc rượu và nói: "Thầy có nhận ra em, không? Ngày mới vào học, em nhớ nhà lại ăn đói nên em khóc. Thầy đã đến dỗ dành, động viên em. Nhờ đó mà em đã vượt qua để tiếp tục học tập rồi ra trường về Phù Yên làm việc, nay đã nghỉ hưu!". Thật là thú vị. Câu chuyện nhỏ qua đi gần 40 năm vậy mà vẫn theo em, nhớ để kể lại trong cuộc hội ngộ đầy tình cảm này.
Một câu chuyện khác nữa: một tối khi đang xem chương trình truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho cán bộ, nhân viên ngành Y tế thì chuông điện thoại reo lên. Tôi nhấc máy nghe thì từ đầu dây bên kia nói như reo lên:"Thầy ơi ! thằng Cứ A Hồng. nó đang ngồi trên ti vi kia kìa!". Thì ra ở tận Lao Cai, em cũng đang xem chương trình này khi thấy một bạn cũ học cùng trường nhưng lớp dưới, nay đã là bác sĩ, Giám đốc một trung tâm Y tế huyện, em đã gọi điện cho tôi với niềm vui xen lẫn chút tự hào về sự trưởng thành của một học sinh cũ của trường. Và chính em, người gọi cho tôi cũng đã trưởng thành với tư cách Hiệu trưởng một trường Trung cấp Y tế tỉnh, nay cũng đã nghỉ hưu...
Và còn nữa, trong những năm tháng ở trường Hoàng Liên Sơn, một lần thầy trò đang trò chuyện trong giờ giải lao của buổi học, một học sinh gái rụt rè nới với tôi: "Thầy ơi ! Em nói cái này nhưng thầy không được mắng chúng em cơ!". Tôi phì cười về cái điều kiện em đưa ra, rồi nói: "Có gì thì cứ nói, đã nói thì không sợ, mà đã sợ thì đừng nói". Thế là em nói tiếp: "Hôm qua trên đường vào khu C (khu tăng gia sản xuất thêm của trường), đói quá nên chúng em đã nhổ trộm mấy gốc sắn của dân để nướng ăn". Nghe vậy, tôi sững người song cũng kịp nhận ra một điều: các em phải hiểu và tin ở tôi như thế nào mới dám nói ra cái tội "ăn vụng nhưng đã chùi sạch mép". Nghĩ vậy và thương cảm các em phải sống một cuộc sống tập thể với đầy rẫy nhưng khó khăn của thời hậu chiến, vì vậy tôi cũng chỉ nhẹ nhàng nói với các em "lần sau đừng làm vậy, nhỡ chẳng may dân bắt được thì vừa nhục vừa mang tiếng xấu cho cả trường chỉ vì vài củ sắn!. Thế là tất cả cùng lặng đi trong giây lát dể rồi trở về lớp tiếp tục buổi học, nhưng cũng từ đấy không xẩy ra những vụ tương tự nữa.
Cũng trong thời gian này, trong một cuộc họp toàn trường tôi nêu lên một số vụ việc xẩy ra trong học tập, sinh hoạt của học sinh. Do không có mi-crô lại phải nói trong một không gian rộng đầy ắp người nên tôi phải nói to và có phần gay gắt . Tan cuộc họp ra về, mấy em đi sát bên tôi nói: "Hôm nay thầy mắng chúng em mà cứ như hát hay, làm chúng em cứ há hốc mồm, vểnh tai lên nghe!". Thật lạ, vừa bị 'mắng' xong còn cười được, lại còn dám trêu chọc thầy. Nhưng sau đó tôi cũng nhận ra trong cái cười và trêu chọc ấy còn có ý nhắc nhở tôi không phải cứ gay gắt, to tiếng mới có kết quả, các cụ ngày xưa có câu "lạt mềm buộc chặt".
Cuối cùng là tuy đã xa trường hơn 30 năm trong đó có hơn 20 năm nghỉ hưu nhưng hàng năm vào các dịp Tết Nguyên đán, ngày Thầy thuốc Việt Nam hay ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi vẫn nhận được lời thăm hỏi, chúc sức khỏe cũng như nhắc lại một vài kỷ niệm xưa của các bạn học sinh cũ từ các vùng miền  gọi đến qua điện thoại. Tình cảm ấy còn được nhân lên gấp bội qua mỗi lần thầy, trò gặp nhau trong dịp nhà trường tổ chức kỷ niệm 35-40-45 năm ngày thành lập trường tại Yên Bái.
Có được những tình cảm ấm áp thân thương đó là do mối quan hệ CHO-NHẬN giữa thầy-trò chúng tôi, trong đó chúng tôi, những người thầy đã cho đi kiến thức cùng kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình với lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của một giáo viên để nhận lại từ học sinh không chỉ tình cảm cùng lòng biết ơn mà còn cả những bài học trong cách hành xử của người thầy giáo với học sinh. Hơn thế nữa, ngoài tình thầy trò, chúng tôi còn có thêm tình anh em, bạn bè đồng nghiệp sau khi các em đã ra trường đi làm nhiệm vụ./.
 
Hà Nội, tháng 6 năm 2016

Tác giả bài viết: BSCKII Nguyễn Long

Nguồn tin: Hội Cựu Giáo chức

BSCKII Nguyễn Long Nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học Y tế Hoàng Liên Sơn (1976-1983)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Lịch học - Lịch Thi

Album ảnh


Video Clip


Lịch giảng tuầnBài giảng ElearningPhần mềm tiện íchThủ thuật văn phòngghép file pdfhình nền powerpoint